Theo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, ở Việt Nam những năm gần đây xu thế “Thừa thầy, thiếu thợ” đang diễn ra do cơ cấu trình độ lao động bất hợp lý. Vì vậy, giáo dục nghề nghiệp trở thành một xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia. Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ Thuật Tô Hiệu Hưng Yên là một trong những cơ sở đào tạo nghề quan trọng trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là từ năm 2017, nhà trường mở rộng hoạt động đào tạo nghề cho đối tượng là các em học sinh, sinh viên (HSSV) dân tộc miền núi phía Bắc.
Hiện nay, nhà trường đang tổ chức đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, đào tạo GDTX cấp THPT, trong đó hàng năm nhà trường dành 100 chỉ tiêu tuyển sinh các em học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số. Quá trình theo học tại nhà trường 100% học sinh tốt nghiệp THCS đều được miễn học phí, được ở ký túc xá miễn phí. Suốt quá trình học và đi thực tập ở doanh nghiệp, nhà trường luôn đồng hành để hỗ trợ kinh phí cũng như đưa đón các em khi đi thực tập ở doanh nghiệp và về quê các dịp nghỉ lễ tết. Ðể thu hút học sinh học nghề, nhà trường đã bám sát nhu cầu việc làm để đào tạo các nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội; phối hợp với các ngành chuyên môn khảo sát, đánh giá nhu cầu việc làm, tránh tình trạng học sinh ra trường không tìm được việc làm. Thiết thực nhất là tại Hội chợ việc làm hàng năm do Trung tâm Hỗ trợ việc làm tỉnh tổ chức, nhà trường đều đưa tất cả HSSV năm cuối tham dự để tạo cơ hội việc làm cho các em. Ngoài việc học theo khung chương trình, nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp, công ty lớn ở trong và ngoài tỉnh tổ chức cho HSSV thực hành tại các cơ sở sản xuất có máy móc, thiết bị hiện đại. Qua đó, giúp các em có cơ hội tiếp cận dây chuyền sản xuất kinh doanh, máy móc hiện đại và quan trọng là rèn luyện kỹ năng tay nghề, tác phong công nghiệp nên 100% HSSV sau khi tốt nghiệp đều có việc làm.
Được theo học ngành nghề yêu thích ,được miễn học phí, được thực tập ở doanh nghiệp có hỗ trợ kinh phí, cấp học bổng và được ở nội trú là những chính sách mà em Giàng Thị Di, dân tộc Mông, trú tại Trạm Tấu, Yên Bái và các học sinh, sinh viên (HSSV) là người dân tộc thiểu số (DTTS) khác được hưởng khi theo học tại Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ Thuật Tô Hiệu Hưng Yên.
Ảnh Sinh viên khoa May, trong giờ thực hành.
Giàng Thị Di chia sẻ: Em học lớp Trung cấp May công nghiệp K60, niên khóa 2019 – 2021. Do điều kiện gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp THCS, em nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền, nhưng công việc không ổn định. Khi được các thầy cô Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ Thuật Tô Hiệu Hưng Yên tư vấn học nghề em rất háo hức. Trong quá trình theo học tại nhà trường, chúng em được các thầy cô giáo tận tình chỉ bảo, động viên, quá trình học tại nhà trường và doanh nghiệp, chúng em được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao rất sôi nổi, có môi trường học tập bổ ích, đó là quyết định rất đúng khi theo học tại nhà trường. Ra trường đầu năm 2022, em được nhận 2 tấm bằng (THPT và Trung cấp nghề), em cảm thấy tự tin khi đi xin việc và cũng có nhiều sự lựa chọn việc làm hơn. Do đạt thành tích trong học tập nên sau khi tốt nghiệp em được doanh nghiệp đến nhận vào làm việc.Thời gian qua em làm việc tại Hưng Yên, tuy xa nhà nhưng mức lương ổn định từ 10 – 12 triệu đồng/tháng.
Thạc sĩ Trần Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ Thuật Tô Hiệu Hưng Yên cho biết: Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nhằm từng bước nâng cao chất lượng lao động, phát huy nguồn nhân lực dồi dào của các địa phương. Bên cạnh những chính sách về giáo dục, các chính sách liên quan đến đào tạo và dạy nghề cho học sinh, thanh niên dân tộc thiểu số cũng đang được xây dựng và ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường hàng năm tìm được việc làm ngay đạt tỷ lệ trên 80%, trong đó nhiều HSSV người dân tộc thiểu số sau khi ra trường đã có việc làm và thu nhập ổn định từ 7 – 15 triệu đồng/tháng tùy từng ngành nghề và nơi làm việc. Có em lựa chọn về làm việc xây dựng phát triển tại địa phương, cũng có những em bứt phá ra khỏi “lũy tre làng” như trường hợp của em Di. Dù làm công việc gì và ở đâu nhưng với kiến thức các em được đào tạo đã áp dụng hiệu quả vào thực tế, có cuộc sống ổn định hơn.
Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ Thuật Tô Hiệu Hưng Yên định hướng đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lưc, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao từ các HSSV vùng dân tộc, miền núi là hướng phát triển đào tạo mang tính cấp bách, chiến lược, trọng tâm, lâu dài nhằm đẩy mạnh sự chuyển biến rõ nét về đào tạo nghề, hình thành đội ngũ lao động đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và sự nghiệp đổi mới của cả nước nói chung và của vùng dân tộc, miền núi nói riêng. Đối với lĩnh vực đào tạo dạy nghề, nhà trường chú trọng cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, gắn thực tiễn sản xuất với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Từ năm 2017, nhà trường đã thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số với 3 cấp trình độ nghề: Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, câu hỏi của các phụ huynh có con đang theo học tại các trường đào tạo, dạy nghề là “Học để làm gì? Có việc làm sau khi ra trường hay không?” luôn là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyết định của các gia đình, bởi chỉ khi nào thấy lợi ích thiết thực của việc học thì họ mới quyết tâm cho con theo đuổi. Do đó, việc đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vùng dân tộc thiểu số luôn được nhà trường quan tâm như: đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, hợp tác với các doanh nghiệp để sau khi tốt nghiệp 100% các em HSSV đều có việc làm với mức lương cao ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tránh lãng phí công sức, thời gian, sự kỳ vọng của bản thân các em cũng như gia đình. Thời gian tới, Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ Thuật Tô Hiệu Hưng Yên tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề và “kỹ năng mềm” cho HSSV nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất; tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề trọng điểm theo dự án đổi mới và phát triển dạy nghề. Nhà trường đổi mới mạnh mẽ các hoạt động tuyển sinh theo hướng thiết thực hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu xã hội, thị trường lao động và việc làm; trong đó ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho trường hợp dự tuyển là người dân tộc thiểu số để góp phần thực hiện chính sách mà Đảng và Nhà nước đang hướng tới.
Một số hình ảnh hoạt động của HSSV dân tộc thiểu số