Hàn Quốc là một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu châu Á. Cùng với khoảng thời gian đổi mới và phát triển kinh tế, từ một quốc gia nghèo kém phát triển, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một quốc gia thịnh vượng. Qua các giai đoạn phát triển, Hàn Quốc đều nhấn mạnh vấn đề lao động có kỹ năng tay nghề và hiện là một trong những quốc gia thành công trong phát triển hệ thống đào tạo nghề, luôn ở top đầu trong các kỳ thi kỹ năng nghề thế giới, đánh giá kỹ năng nghề với tỷ lệ cao (trung bình 3 triệu người được đánh giá hàng năm).
Với sự hỗ trợ, hợp tác của Hàn Quốc, các đối tác phát triển khác và nỗ lực quốc gia, Việt Nam đã có nhiều thành công trong phát triển nhân lực nói chung và nhân lực có tay nghề nói riêng. Phát triển nguồn nhân lực cũng được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt, mới đây, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới….
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (bên phải) tiếp ông Park Noh-Wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam mới được bổ nhiệm.
Những thành công trong hợp tác phát triển GDNN Việt Nam – Hàn quốc trong những năm vừa qua có thể kể đến như: hợp tác phát triển 12 trường nghề Việt Nam – Hàn Quốc ở các địa phương, trong đó những mô hình rất thành công như Cao đẳng Việt Hàn ở Nghệ An, Bắc Giang, Đăk Lăk; hỗ trợ kỹ thuật tư vấn phát triển hệ thống, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý, phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề, các chương trình nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm phát triển GDNN giữa hai nước và chương trình phái cử chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam hỗ trợ huấn luyện thi tay nghề…
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng và ông Cho Han-Deog – cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA cùng ký biên bản ghi nhớ hợp tác, ngày 21/8/2020
Các dự án hỗ trợ tài chính đã hoàn thành
1. Dự án Thành lập 5 trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc do Hàn Quốc tài trợ thời gian thực hiện Dự án: 9/2008-12/2016.
Nội dung chính của Dự án: Xây dựng 5 trường Cao đẳng nghề nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng tiêu chuẩn nghề, chương trình, giáo trình và sách hướng dẫn giáo viên cho các nghề đào tạo; Đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước cho giáo viên và cán bộ quản lý.
2. Các Dự án ODA do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố làm Cơ quan chủ quản
a) Dự án phát triển trường CĐN Công nghiệp Hà Nội (giai đoạn 1)
– Nội dung dự án: Mua sắm thiết bị dạy nghề và đào tạo giáo viên
– Thời gian thực hiện: 1994-1998
b) Dự án phát triển Trường CĐN Việt – Hàn Nghệ An
– Nội dung Dự án: Đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị dạy nghề cho Trường CĐN Việt – Hàn Nghệ An
– Thời gian thực hiện: 1999 – 2000 và 2007 – 2008
c) Dự án thành lập Trường CĐN Việt – Hàn tại tỉnh Bắc Giang
– Nội dung dự án: Đầu tư thành lập Trường CĐN Việt – Hàn tại Bắc Giang.
– Thời gian thực hiện: 2010 – 2014
d) Dự án phát triển Trường TCN Quảng Trị thành Trường CĐN Việt – Hàn tỉnh Quảng Trị
– Nội dung Dự án: mua sắm thiết bị, xây dựng cơ bản, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý;
– Thời gian thực hiện: 2011 – 2013
e) Dự án phát triển Trường CĐN Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk)
– Nội dung dự án: mua sắm thiết bị, xây dựng cơ bản, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý;
– Thời gian thực hiện: 2013 – 2016
Các dự án hỗ trợ kỹ thuật đã hoàn thành
1. Dự án “Nâng cao năng lực nhằm thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Thời gian thực hiện: 12/2011-12/2013.
Nội dung chính của Dự án: Tư vấn về hệ thống luật pháp và các quy định để thực hiện Hệ thống Đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của Việt Nam; Xây dựng một Kế hoạch tổng thể về việc thiết lập Cơ quan quản lý đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và các Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; Hướng dẫn về Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của Việt Nam. Xem xét hướng dẫn để xây dựng và áp dụng của các Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt cho ba (3) nghề thí điểm đánh giá; Đào tạo cho các cán bộ Việt Nam tại Hàn Quốc; Triển khai thí điểm đánh giá kỹ năng cho 3 nghề được lựa chọn.
Ngoài ra, triển khai Biên bản hợp tác giữa Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Lao động và Việc làm của Hàn Quốc ký năm 2009 và gia hạn vào năm 2014, Tổng cục GDNN và HRDKorea đã có nhiều hoạt động hợp tác, cụ thể:
– Tổ chức các Đoàn trao đổi song phương chia sẻ kinh nghiệm và quản lý đào tạo nghề tại Việt Nam và Hàn Quốc.
– Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng nghề cho giáo viên và cán bộ quản lý (HRDKorea GIFT tài trợ toàn bộ chi phí)
– Chia sẻ kinh nghiệm Thi Tay nghề quốc gia Hàn Quốc và phái cử chuyên gia Hàn Quốc sang huấn luyện thí sinh Thi Kỹ năng nghề Thế giới.
– Tham gia triển khai dự án ODA tài trợ bởi KOICA 2013 “Nâng cao năng lực nhằm thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ quốc gia tại Việt Nam”, HRDKorea với vai trò là đơn vị tư vấn kỹ thuật của Dự án.
– Hỗ trợ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 tại Brazil năm 2015 cho 2 nghề Thiết kế kỹ thuật cơ khí – CAD (đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc) và Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin (đạt huy đồng).
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường tăng cường hợp tác trên tinh thần thiết thực, hiệu quả ở các cấp độ: chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo…thông qua các hoạt động như: thúc đẩy hợp tác chính sách; đẩy mạnh hợp tác, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở GDNN của Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trong lĩnh vực GDNN, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp Hàn Quốc; tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở GDNN của Việt Nam với cơ sở GDNN Hàn Quốc để tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập, tiến tới công nhận lẫn nhau ở một số môn, một số nghề…
Tổng cục GDNN đánh giá cao các đối tác Hàn Quốc đã luôn đồng hành và hỗ trợ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai thành công các chương trình, hoạt động hợp tác trong thời gian qua, như: Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRDKorea), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank), Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp Hàn quốc (KRIVET), Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)..