KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
ThS. Bùi Văn Tân – Phó trưởng phòng NCKH&HTQT
Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên
Trong thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển diễn ra được tính bằng giây. Chúng ta chỉ cần dừng lại là rơi vào trạng thái tụt hậu. Do vậy, mỗi chúng ta luôn luôn phải suy nghĩ, tìm kiếm để không bị bỏ lại phía sau. Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là bước đi tất yếu cho tất cả các lĩnh vực. Hiểu sâu, nắm vững và vận dụng một cách linh hoạt về ĐMST trong quá trình làm việc thực tế là một lợi thế cũng là một thách thức trong giai đoạn hiện nay.
- Khái niệm về Đổi mới sáng tạo (ĐMST)
Thuật ngữ ĐMST được hiểu là việc tạo ra và sử dụng tri thức mới phù hợp về công nghệ, quản lý, thị trường mới góp phần làm tăng giá trị cho sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế đưa ra khái niệm về đổi mới sáng tạo trong cẩm nang Oslo 2005 (OECD, 2005): “ĐMST là việc thực thi một sản phẩm hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay mjootj biện phaps mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài”.
Theo Điểm 16 Điều 13 luật Khoa Học và Công Nghệ Luật số: 29/2013/QH13, ngày 18/6/2013 đã ghi rõ: “ĐMST là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hoá”.
Qua các khái niệm trên cho thấy, ĐMST liên quan đến sự thay đổi hiện tại và tạo ra tính mới. Tính mới được tạo ra có thể là mới đối với một cơ sở sản xuất, kinh doanh, mới đối với thị trường và mới đối với thế giới (OECD, 2010). Bên canh đó, ĐMST coa thể mang cả khía cạnh công nghệ và phi công nghệ (mô hình kinh doanh, marketing,…).
- Phân loại Đổi Mới Sáng Tạo (ĐMST)
- Theo loại hình ĐMST
Trong hướng dẫn OECD Oslo Manual (2005) ĐMST được phân loại thành 4 loại hình: ĐMST sản phẩm, quy trình hoạt động, hệ thống quản lý và ĐMST về các hoạt động marketing.
ĐMST sản phẩm: là việc giới thiệu một sản phẩm mới hoặc được cải tiến đáng kể đối với các đặc tính hoặc mục đích sử dụng của nó. Bao gồm những cải tiến trong các chi tiết kỹ thuật, các thành phần và nguyên liệu, phần mềm tích hợp, tính thân thiện với người sử dụng hoặc các đặc tính chức năng khác.
Đổi mới Quy trình hoạt động: là việc thực hiện phương pháp sản xuất hoặc phương thức phân phối mới, bao gồm những thay đổi đáng kể về kỹ thuật, thiết bị hoặc phần mềm.
Đổi mới Hệ thống quản lý: Việc thực hiện một phương pháp tổ chức mới trong thực tiễn của các Đơn vị, cơ cấu lại tổ chức hoặc qua hệ với bên ngoài.
ĐMST về các hoạt động marketing: Là việc thực hiện một phương pháp Marketing mới liên qua đến sự thay đổi đáng kể trong thiết kế sản phẩm, nơi bán sản phẩm, quảng bá sản phẩm hoặc giá cả của sản phẩm.
- Phân loại theo cấp độ ĐMST
Gồm có 2 cấp độ: ĐMST căn bản và đột phá
ĐMST căn bản: là ĐMST với mức độ thay đổi cao.
ĐMST đột phá: là giải quyết vấn đề ít được qua tâm nhằm thay thế các sản phẩm, quy trình đã được thiết lập, tập trung vào các vấn đề cơ bản, đơn giản với hiệu suất thấp hơn. ĐMST đột phá tạo ra thị trường mới, giúp triển khai các mô hình kinh doanh để đạt được các giá trị mới.
- Phân loại theo các yếu tố
Bao gồm hai nhóm chính: Nhóm các yếu tố bên trong và nhóm các yếu tố bên ngoài.
Nhóm các yếu tố bên trong được xây dựng dựa trên quan điểm về nguồn lực của chính đơn vị đó. Nó có vai trò then chốt trong các chiến lược của đơn vị đó như tham gia vào việc ĐMST, tạo ảnh hưởng tích cực đến năng lực tài chính và năng lực công nghệ của đơn vị đó.
Nhóm các yếu tố bên ngoài như là tác động của thị trường lao động, tình hình kinh tế kỹ thuật hiện tại…Ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện ĐMST của đơn vị.
- Mục tiêu của Đổi Mới Sáng Tạo
Tạo ra chiến lược, chiến thuật hoặc hoạt động mới cho các tổ chức, đơn vị…phù hợp với tầm nhìn và chính sách ĐMST; cung cấp đầu vào cho các chiến lược ĐMST của chính đơn vị đó.
Thông qu ĐMST để một đơn vị thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chiến lược của chính mình, bảo đảm sự tồn tại thịnh vượng lâu dài của chính đơn vị đó trong tương lai.
- Phạm vi của Đổi Mới Sáng Tạo
ĐMST mô tả sự phát triển và thay đổi bên trong của các đơn vị cụ thể, hoạt động này có thể xảy ra trong tất cả các quá trình hoạt động của một đơn vị chủ thể: chiến lược, bán hàng, tiếp thị, nghiên cứu và phát triển, tìm nguồn cung ứng, dịch vụ, hỗ trợ và các hoạt động khác.
Hoạt động ĐMST có mục tiêu phục vụ các mục đích khác nhau trong chiến lược chung của Doanh nghiệp, một đơn vị cụ thể, đây là hoạt động khám phá những hoạt động mới, được đặc trưng bởi sự không chắc chắn, mang tính thử nghiệm…Do đó rất khác so với các hoạt động, quy trình khác trong chính Doanh nghiệp, trong chính đơn vị đó.
Hoạt động ĐMST được xác định dựa trên nhu cầu, cơ hội, thách thức hoặc các vấn đề liên quan đến dịch vụ mà các bên có xu hướng thay đổi theo yêu cầu của thị trường và khách hàng.
- Đặc điểm của Đổi Mới Sáng Tạo
ĐMST có thể là một sản phẩm, dịch vụ, quá trình, phương pháp…
ĐMST cũng có thể là mô hình kinh doanh, mô hình hoạt động, mô hình tạo giá trị gia tăng.
Điều kiện cần và đủ của ĐMST đó là tính mới và giá trị:
Tính mới đó là việc xác định bởi nhận thức của các bên liên quan, có thể là mới trên thế giới( chưa được thực hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới) hoặc đối với một ngành, một lĩnh vực cụ thể, một cộng đồng hoặc một nhóm người. Theo thời gian, tính mới của ĐMST có thể được chấp nhận, phổ biến rộng rãi trong xã hội.
Tính giá trị của hoạt động ĐMST thể hiện ở việc triển khai trong một quá trình nhất định. Đó là những ý tưởng, sáng kiến không mang lại giá trị sẽ không được xem là ĐMST. Việc phân phối lại giá trị của ĐMST có thể xảy ra ở các cấp độ khác nhau: cá nhân, Doanh nghiệp, xã hội… Giá trị của ĐMST có thể là giá trị tài chính, hữu hình và rất thực tế như doanh thu, tiết kiệm, năng suất… hoặc phi tài chính vô hình: sự hài lòng, kinh nghiệm, niềm tin…Tính giá trị từ ĐMST được xác định bởi các bên liên quan: Các nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng… là một chuỗi giá trị được nhận biết, được cảm nhận trực tiếp giá trị khác nhau của ĐMST.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, Đổi Mới Sáng Tạo (ĐMST) được xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển của đất nước ta trong giai đoạn sắp tới. Điều này được cụ thể hoá trong “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”, đã được thủ tường chính phủ ban hành vào ngày 11/05/2022.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021.
- Luật Khoa học và Công nghệ Luật số: 29/2013/QH13, ngày 18/6/2013.
- Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022, của thủ tường chính phủ “Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”.