Cộng hòa Liên bang Đức là một trong những đối tác chiến lược trong lĩnh vực dạy nghề/giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Việt Nam. Chính phủ Đức luôn chú trọng tới công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh phổ thông từ rất sớm, điều này góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế. Đặc biệt với mô hình đào tạo nghề kép. Với hệ thống đào tạo này, người học được đào tạo khoảng 70% thời gian tại nơi làm việc và 30% còn lại ở các trường nghề. Mô hình này là đảm bảo một phần thu nhập cho người học nghề và việc làm cho họ.
Đại diện Viện Nghiên cứu đào tạo nghề CHLB Đức (BIBB) trình bày với các đại diện từ 16 quốc gia tham dự Chương trình học tập về hệ thống đào tạo kép tại CHLB Đức từ ngày 16-22/9/2018.
Thời gian vừa qua, Chính phủ Đức đã có nhiều chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng, cụ thể như sau:
1. Dự án “Chương trình đào tạo nghề”
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2007-2012, nhằm tăng cường việc làm cho những lĩnh vực dạy nghề được lựa chọn tại Việt Nam, góp phần cung cấp nhân lực qua đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; đổi mới phương thức đào tạo dựa trên năng lực tại vị trí làm việc theo hướng thực hành kể cả trên dây chuyển công nghệ hiện đại; trang bị thiết bị dạy nghề đồng bộ, hiện đại cho các nghề trọng điểm; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên tham gia giảng dạy các nghề được để có thể vận hành, khai thác hiệu quả các trang thiết bị từ dự án ODA.
2. Dự án “Tư vấn Hệ thống Đào tạo nghề – giai đoạn I”
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2008 – 2011 với các hoạt động chính gồm: Hệ thống giáo dục kỹ thuật dạy nghề Việt Nam được cải thiện bền vững theo định hướng nhu cầu, thông qua các hoạt động cụ thể như: Tư vấn cho cán bộ chuyên môn và cán bộ lãnh đạo của Tổng cục Dạy nghề về Chiến lược dạy nghề; nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý; hỗ trợ cho các đối tác Việt Nam trong việc phát triển các đề cương về việc hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp và thực hiện khảo sát tình hình việc làm của học viên sau khi tốt nghiệp.
3. Dự án “Chương trình đào tạo nghề năm 2008”
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2011-2014, đây là dự án tiếp tục của quá trình hợp tác Việt – Đức trong chương trình đổi mới phát triển dạy nghề Việt Nam thông qua đầu tư đồng bộ các trang thiết bị dạy nghề của các nghề có yêu cầu đòi hỏi trình độ đào tạo chuyên môn cao cho các nghề trọng điểm của 04 trường (CĐN Long An, CĐN An Giang, TCN Ninh Thuận, CĐN Kinh tế-Kỹ thuật Bắc Ninh); góp phần cung cấp lực lượng lao động đã qua đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và đổi mới phương thức tiếp cận thông qua đào tạo gắn với thực hành và đào tạo tại nơi làm việc, kể cả trên các dây chuyền công nghệ hiện đại.
4. Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn II cho Chương trình đào tạo nghề 2008”
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2010-2014, đây là dự án nhằm hoàn thiện và xây dựng thêm các chương trình, giáo trình đào tạo đáp ứng nhu cầu và theo định hướng thị trường lao động; phát triển, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại các trường thụ hưởng dự án (là 04 trường tham gia dự án vốn vay ODA “Chương trình đào tạo nghề năm 2008”).
5. Dự án “Tư vấn hệ thống giai đoạn II”
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2011-2014 nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam nhằm phát triển dạy nghề tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và hướng đến năm 2020.
6. Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Đào tạo nghề trong lĩnh vực xử lý nước thải thuộc Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam”
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2016-2017 với nội dung chính của Dự án nhằm hỗ trợ kỹ thuật đào tạo nghề trong lĩnh vực xử lý nước thải tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II
7. Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chương trình cải cách đào tạo nghề 2013”
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2016-2018 với mục đích tiếp tục hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của Hệ thống Việt Nam theo hướng dựa trên nhu cầu, hội nhập khu vực ASEAN và tăng cường năng lực hướng tới lĩnh vực Tăng trưởng Xanh; Tiếp tục hỗ trợ phát triển trường Cao đẳng nghề LILAMA2 thành Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao có khả năng tổ chức thực hiện đào tạo nghề và đào tạo nâng cao theo tiêu chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn Đức).
8. Dự án “Chương trình Đào tạo nghề 2011”
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2015-2018 với nội dung chính của Dự án: Đầu tư thiết bị các nghề: Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô, Chế tạo thiết bị cơ khí và Quản trị mạng máy tính được nâng cấp để đạt cấp độ ASEAN; Cắt gọt kim loại; Kỹ thuật chế biến món ăn.
9. Dự án hỗ trợ tài chính “Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam – Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao cho GDNN xanh”
Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2017-2021, đây là Dự án hỗ trợ sự phát triển của GDNN Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế xanh và bền vững. Mở rộng cơ sở Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi thông qua đầu tư đồng bộ các trang thiết bị dạy nghề và cơ sở dạy nghề.
10. Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chương trình cải cách đào tạo nghề 2015”
Được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2019 – 2021, Dự án tiếp tục hỗ trợ tư vấn chính sách đối với hệ thống GDNN Việt Nam, tập trung củng cố các điều kiện khung và năng lực đội ngũ nhân sự về xây dựng hệ thống GDNN của Việt Nam hướng cầu, bền vững trong quá trình hội nhập ASEAN. Hỗ trợ việc thành lập Trung tâm xuất sắc về đào tạo nghề Xanh, nhằm phát triển bền vững năng lực về việc cung cấp chương trình đào tạo ban đầu và bồi dưỡng nâng cao chất lượng cao dựa trên tiêu chuẩn Đức và phù hợp với nhu cầu nền kinh tế “xanh”. Tiếp tục hỗ trợ kĩ thuật đào tạo nghề lĩnh vực xử lý nước thải, hỗ trợ việc hoàn thiện mô hình đào tạo hợp tác nghề “Kĩ thuật viên thoát và xử lý nước thải” theo tiêu chuẩn của Đức.
11. Dự án khu vực Cải cách đào tạo nhân sự trong lĩnh vực dạy nghề khu vực ASEAN (RECOTVET)
11.1. RECOTVET giai đoạn 1: Chương trình cấp khu vực nhằm cải thiện những yêu cầu về nhân sự và tài liệu dạy học cho đào tạo định hướng cầu của các chuyên gia và cán bộ quản lý GDNN.
Các hoạt động chính của Dự án: Tăng cường hợp tác khu vực ASEAN trong lĩnh vực GDNN; Xây dựng chuẩn khu vực (chuẩn nhà giáo GDNN, chuẩn giáo viên đào tạo tại doanh nghiệp); Xây dựng Khung đảm bảo chất lượng cấp khu vực; Triển khai Cổng tri thức điện tử dành cho GDNN. Thời gian thực hiện Dự án từ 2015-2017.
11.2. RECOTVET giai đoạn 2: Hình thành các tiền đề về nhân sự, thể chế và chuyên môn nhằm hỗ trợ các hệ thống GDNN trong khu vực ASEAN đảm bảo tính hài hòa và định hướng thị trường lao động.
Dự án gồm các hoạt động: Tăng cường năng lực chuyên môn và năng lực có liên quan đến nội dung về GDNN của các tổ chức khu vực có liên quan; Nâng cao chất lượng GDNN ở cấp độ khu vực và ở các quốc gia thành viên ASEAN;Thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào sự phát triển của hệ thống GDNN theo định hướng thị trường lao động trong khu vực ASEAN; Xúc tiến năng lực cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp theo tiêu chuẩn và các khuyến nghị của ASEAN; Tăng cường năng lực đào tạo và bồi dưỡng nhân sự cho GDNN trong khu vực theo tiêu chuẩn khu vực và quốc gia; Đẩy mạnh trao đổi thông tin và học hỏi quá trình phát triển hệ thống GDNN quốc gia, bao gồm việc tư liệu hóa các thực tiễn điển hình và đóng góp cho cổng tri thức điện tử khu vực. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 – 2020.
11.3. RECOTVET giai đoạn 3: Phát triển năng lực (về chuyên môn, nhân sự, và thể chế) cho các hệ thống GDNN của khu vực Đông Nam Á nhằm đáp ứng yêu cầu của số hóa. Các lĩnh vực ưu tiên của hợp tác khu vực giữa các đối tác chủ chốt trong GDNN của khu vực Đông Nam Á.
Dự kiến thực hiện từ tháng 7/2020-30/6/2023, dự án gồm các hoạt động chính: Tăng cường chiến lược GDNN trong ASEAN để đáp ứng các yêu cầu của số hóa/Công nghiệp 4.0; Cải thiện sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm điều chỉnh GDNN phù hợp với yêu cầu của số hóa/ Công nghiệp 4.0; Tăng cường năng lực số cho nhân sự ngành GDNN; Tăng cường thích ứng hệ thống GDNN các quốc gia CLMV theo yêu cầu về số hóa/Công nghiệp 4.0 thông qua Kế hoạch hành động ASEAN.
12. Dự án Chương trình Đổi mới giáo dục nghề nghiệp Việt Nam II
Được thực hiện trong giai đoạn 2021-2024, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới chuyển đổi lao động tự do trong khu vực và nhu cầu của cuộc CMCN 4.0, tập trung vào: (i) Tăng cường hợp tác về GDNN giữa các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cơ sở đào tạo của hai nước; tiến tới công nhận trình độ kỹ năng nghề của lao động Việt Nam theo tiêu chuẩn của CHLB Đức. (ii) Nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình đào tạo nghề kép tại Việt Nam; xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích, huy động doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia phát triển GDNN. Nghiên cứu hỗ trợ việc thành lập Học viện GDNN với chức năng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GDNN, nghiên cứu khoa học GDNN theo mô hình Viện Giáo dục, Đào tạo nghề Liên bang Đức.
13. Dự án toàn cầu “Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và di cư lao động định hướng phát triển (PAM)”
Được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2023, mục tiêu của dự án là triển khai các phương thức tiếp cận dựa trên đối tác về di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp trong đào tạo và việc làm giữa CHLB Đức và các quốc gia đối tác được lựa chọn với trọng tâm định hướng phát triển. Các nội dung chủ yếu: Lập kế hoạch và triển khai các phương pháp tiếp cận GDNN và di cư lao động an toàn, hợp pháp và định hướng phát triển; Các tổ chức đối tác liên quan thực hiện thí điểm các mô hình GDNN an toàn, hợp pháp, định hướng phát triển và di cư lao động sang CHLB Đức; Xây dựng các phương thức học tập, đối thoại và kết nối mang tính tương tác giữa các quốc gia đối tác và CHLB Đức trong GDNN và di cư lao động.
14. Chuyển giao chương trình, giáo trình đào tạo 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Đức
Các nghề đào tạo trình độ cao đẳng gồm: Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, Chế biến và bảo quản thuỷ sản, Chế tạo thiết bị cơ khí, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Điều khiển tàu biển, Gia công và thiết kế sản phẩm mộc, Hàn, Khai thác máy tàu thủy, Kỹ thuật chế biến món ăn, Lắp đặt thiết bị cơ khí, Quản trị khách sạn, Quản trị lễ tân, Vận hành máy thi công nền, Thiết kế thời trang, Vận hành thiết bị chế biến dầu khí, Điện tàu thủy, Kỹ thuật xây dựng, Vận hành máy thi công mặt đường.
Các chương trình hiện đang được tổ chức đào tạo thí điểm tại 45 trường cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đạt yêu cầu sẽ được cấp 2 bằng: 1 bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp; 1 bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ Bậc 4 theo Khung trình độ Quốc gia Đức).
Bên cạnh ngân sách nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ từ các đối tác, các nhà tài trợ nói chung và Chính phủ Đức nói riêng đã góp phần nâng cao năng lực cho các trường thụ hưởng, từ cơ sở vật chất thiết bị đến chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, từng bước giúp các trường tạo dựng uy tín và thương hiệu của cơ sở mình.
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ Chính phủ Đức để tạo điều kiện tối đa để các chuyên gia Đức được sang Việt Nam hướng dẫn tổ chức đào tạo tại 45 trường cao đẳng của Việt Nam (mỗi năm 2 lần; mỗi lần 5 ngày), nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp (có thể ưu tiên cấp visa vacxin cho các chuyên gia này) và cùng đồng hành với Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động và trước yêu cầu cấp thiết của cách mạng công nghiệp 4.0./.